---o0o---
Chú thích
- S: nguyên tác tiếng Sanskrit của mục từ dạng La-tinh hóa
- P: nguyên tác tiếng Pàli của mục từ dạng La-tinh hóa
- A: tiếng Anh
- H: tiếng Hán
- Ph: tiếng Pháp
- T: tên mục từ bằng tiếng Tây Tạng dạng La-tinh hóa.
- Hâ: các hình thức phiên âm tiếng Việt khác nhau của một mục từ.
- Hd: các hình thức dịch nghĩa khác nhau của một mục từ.
- Td: tân dịch.
- Cd: cựu dịch.
- Đl: đối lại
- x: xem
- Đn: đồng nghĩa.
- Vd: ví dụ
- Gđ: cách gọi đầy đủ của một mục từ.
- Gt: cách gọi giản lược hay vắn tắt của một mục từ.
- Cg: hình thức đồng nghĩa hay tên gọi khác của một mục từ.
- Tên khoa học: tên gọi theo khoa học của một mục từ.
- k. ng.: khẩu ngữ
- X.: xem.
- CĐTĐL: Cảnh Đức Truyền Đăng lục
- CTTNL: Cổ tôn túc ngữ lục
- ĐQMT: Đại quang minh tạng
- DTNL: Duy Tắc ngữ lục
- GTPĐL: Gia Thái Phổ Đăng lục
- HĐNL: Hư Đường ngữ lục
- HSLNMDT: Hám Sơn Lão Nhân Mộng Du tập
- KTTQTĐL: Kiến trung tịnh quốc tục đăng lục
- LĐHY: Liên Đăng Hội Yếu
- LSPGĐT: Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong
- MANL: Mật Am ngữ lục
- MBTL: Minh Bản Tạp lục
- MGNL: Minh Giác ngữ lục
- NĐHN: Ngũ Đăng Hội Nguyên
- NGCTT: Ngũ Gia Chính Tông Tán
- NHQL: Nguyên Hiền quảng lục
- NLNL: Nguyên Lai ngữ lục
- NTNL: Như Tịnh ngữ lục
- PDNL: Pháp Diễn ngữ lục
- PDNL: Phần Dương ngữ lục
- PKNL: Phạm Kỳ ngữ lục
- PQĐTĐ: Phật Quang Đại Từ Điển
- TBCTT: Tăng Bảo Chính Tục truyện
- TLTBT: Thiền Lâm Tăng Bảo truyện.
- ThQST: Thiền Quan Sách Tiến
- TĐT: Tổ Đường tập
- TCTT: Tống Cao Tăng truyện
- TTĐL: Tục Truyền Đăng lục
- ThMMBTSTL: Thiên Mục Minh Bản Thiền sư tạp lục
- VHVNTH 1989-1995: Văn hóa Việt Nam Tổng Hợp 1989-1995

---o0o---
Danh Từ Phật Học: Bát Thức
----------------------------- Từ Điển Đa Ngôn Ngữ - Cs Minh Thông -----------------------------
● Eight Levels of Consciousnesses, Eight Consciousnesses, Nam Shī Tsog Gye (T)
----------------------------- Phật Học Danh Số - Ns Đức Trí -----------------------------
● Bát thức là tám sự nhận biết của tâm
- Nhãn thức: Mắt duyên với sắc sanh ra nhãn thức, tức là sự nhận thấy
- Nhĩ thức: Tai duyên với tiếng sanh ra nhĩ thức, tức là sự nhận biết âm thanh
- Tỷ thức: Mũi duyên với mùi hương sanh tỷ thức, tức là sự nhận biết mùi hương thơm, thúi…
- Thiệt thức: Tức là lưỡi duyên với mùi vị sanh ra thiệt thức, tức sự nhận biết các vị đắng ngọt…
- Thân thức: Thân duyên với pháp bên ngoài sanh thân thức, tức sự nhận biết các vật mềm, cứng, nóng, lạnh, mát…
- Ý thức: Thức này nương ý căn (thức thứ bảy) khởi ra tác dụng phân biệt pháp trần nên gọi là ý thức.
- Mạt na thức: Còn gọi là phân biệt thức là phần do nương vào tự chứng phần của thức thứ tám mà phát sanh, chấp kiến phần của thức thứ tám là ngã, thức này còn là chủ của thức thứ sáu, chấp cảnh sở duyên thiện hay ác của thức thứ sau và chuyển thành nhiễm hay tịnh
- A Lại Da thức: Dịch là tàng thức, thức này nhiễm tịnh đồng nguồn, sanh diệt hòa hợp có đủ bốn phần là tướng phần, kiến phần, tự chứng phần, chứng tự chứng phần.
----------------------------- Pháp Số Căn Bản - Cs Hạnh Cơ -----------------------------
● Tám Thức. Thức – hay tác dụng nhận thức, tức là cái Biết, là những dòng tiếp nối của cảm giác hay tri giác phân biệt. Khi các giác quan (Căn) tiếp xúc với đối tượng của chúng (Cảnh hay Trần) thì liền phát sinh cái biết (Thức). Vậy thức được phát hiện từ căn cứ của nó là căn và trần, và nương tựa trên căn cứ đó mà tồn tại. Theo Duy Thức Học, thức có tám tác dụng – tức là có tám thức:
1. Nhãn Thức: cái thấy, tức là cái biết sinh ra khi mắt (Nhãn Căn) tiếp xúc với cảnh vật (sắc trần).
2. Nhĩ Thức: cái nghe, tức là cái biết sinh ra khi tai (Nhĩ Căn) tiếp xúc với âm thanh (thanh trần).
3. Tị thức: cái ngửi, tức là cái biết sinh ra khi mũi (Tị Căn) tiếp xúc với mùi (hương trần).
4. Thiệt Thức: cái nếm, tức là cái biết sinh ra khi lưỡi (Thiệt Căn) tiếp xúc với các thức ăn uống (vị trần).
5. Thân Thức: cái cảm xúc, tức là cái biết sinh ra khi thân thể (Thân Căn) đụng chạm mọi vật (xúc trần).
Tác dụng nhận thức của năm thức trên đây hoàn toàn chỉ có tính cách thuần túy cảm giác, không có tính cách phán đoán, ước lượng và suy luận, cho nên được gọi là “năm thức cảm giác” – các nhà duy thức học thường gọi là “năm thức trước”. Và vì vậy, hình thái nhận thức của chúng là Hiện Lượng; đối tượng nhận thức của chúng là Hữu Chất Tánh Cảnh; và tính chất nhận thức của chúng bao gồm cả Thiện, ác, và Vô Kí.
Để có được tác dụng nhận thức, năm thức trên đây luôn luôn liên hiệp với 34 hiện tượng tâm lí (tức là những thuộc tính của thức mà Duy Thức Học gọi là những “Tâm Sở”), gồm có 5 Tâm Sở Biến Hành (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư); 5 Tâm Sở Biệt Cảnh (dục, thắng giải, niệm, định, tuệ); 11 Tâm Sở Thiện (tín, tàm, quí, vô tham, vô sân, vô si, cần, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại); và 13 Tâm Sở Bất Thiện (tham, sân, si, vô tàm, vô quí, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, Thất Niệm, tán loạn, bất chánh tri).
Vì được phát sinh từ căn và cảnh, năm thức này luôn luôn liên hệ mật thiết với hai lĩnh vực sinh và vật lí, và hoạt động một cách gián đoạn, không liên tục – như trong khi ngủ chẳng hạn, chúng ngưng hoạt động; hoặc nếu có hoạt động thì cũng ở một cường độ thật yếu ớt, chỉ đủ để tạo nên những cảm giác vô thức nơi thân thể.
Khi đã giác ngộ thì năm thức cảm giác này được chuyển thành Thành Sở Tác Trí.
6. Ý Thức: cái biết sinh ra khi ý căn (Mạt Na Thức) tiếp xúc với pháp trần.
Câu định nghĩa trên có vẻ thật giản dị, thực ra, phạm vi hoạt dụng của Ý Thức rộng rãi vô cùng. Nó có quyền năng rất lớn, có thể trấn ngự các thức khác, hoạt động tự do tự tại, có thể tạo lập và thay đổi bản chất của đời sống cá nhân lẫn tập thể. Chính nó xoay con người lưu chuyển trong vòng sinh tử Luân Hồi, hay đưa con người thẳng đến bến bờ giải thoát; bởi vì chính nó là Ý Nghiệp, là thức đóng vai trò tạo nghiệp, là động cơ chủ yếu đưa tới các hành động thuộc về thân thể và ngôn ngữ.
Ý Thức được nhận diện dưới hai hình thức: liên hiệp với năm thức trước (Ngũ Câu) và đơn độc (Độc Đầu).
a) Tác dụng liên hiệp với năm thức cảm giác (Ngũ Câu ý thức). Cái biết phát sinh từ năm thức trước mới chỉ thuần là cảm giác; khi có thêm tác dụng của Ý Thức thì cái biết cảm giác sẽ trở thành tri giác – là cái biết rõ ràng, sáng tỏ. Khi mắt nhìn cái hoa, nếu không có ý thức thì cái thấy của nhãn thức chỉ là cái thấy lờ mờ, không rõ ràng; thậm chí, nhiều khi thấy mà hầu như không thấy. Nhưng nếu có mặt của Ý Thức thì cái hoa sẽ hiển hiện một cách rõ ràng, và cái biết sẽ trở nên sáng tỏ, tỉ mỉ hơn: từ hình dáng, đường nét, màu sắc, cho đến một con ong đang sà xuống hút mật, một ngọn gió thổi qua làm lay động cành lá v. v..., tất cả các chi tiết có liên hệ đến cái hoa lúc ấy đều được nhận biết một cách cặn kẽ. Khi liên hiệp với năm thức trước như vậy, Ý Thức được gọi là Ngũ Câu Ý Thức, và tác dụng của nó là tri giác. ở đây chúng ta cần để ý, cái biết “tri giác” về cái hoa vừa nêu ra, là cái biết thật thuần túy – nghĩa là cái hoa làm sao thì biết làm vậy, mọi chi tiết liên hệ đến cái hoa thế nào thì biết thế đó, hoàn toàn không có ý niệm nào khác xen vào; Ý Thức Ngũ Câu trong trường hợp này chính là tri giác thuần túy, và vì vậy, hình thái nhận thức của nó là Hiện Lượng, đối tượng nhận thức của nó là Hữu Chất Tánh Cảnh.
Nhưng trong thực tế của đời sống hằng ngày, chúng ta rất ít khi thấy bằng tri giác thuần túy như vậy; nếu có thì cũng chỉ trong vài giây phút ngắn ngủi, còn hầu hết là thấy bằng suy tưởng, đắn đo, so sánh, ước lượng, phán đoán v. v... Do đó, trong chúng ta luôn luôn đầy ắp những bóng dáng, hình ảnh của thực tại, mà ít khi thấy được cái mặt thật của thực tại. Bởi vậy, hình thái nhận thức của Ý Thức Ngũ Câu hầu hết là Tỉ Lượng, và đối tượng nhận thức của nó là Đới Chất Cảnh.
Nói chung thì trong đời sống hằng ngày, mọi cái biết đều được phát hiện từ các giác quan, và đều được Ý Thức làm cho sáng tỏ. Cho nên, Duy Thức Tam Thập Tụng đã gọi cả sáu thức này là “Liễu Biệt Cảnh Thức” (cái biết phân biệt rõ ràng về mọi vật).
b) Tác dụng đơn độc (độc đầu Ý Thức). Trong trường hợp này, Ý Thức chỉ hoạt động độc lập, không liên hiệp với năm thức trước. Trong các hoạt động như suy tư, hồi tưởng, tưởng tượng, lí luận, so đo, phán đoán... nó được gọi là Ý Thức tán vị (Tán Vị Ý Thức – nghĩa là Ý Thức trong trạng thái phân tán), và đó là các hoạt động phổ thông, thường xuyên nhất của Ý Thức. Mộng mị trong giấc ngủ cũng là một loại hoạt động của Ý Thức Độc Đầu, và trong trường hợp này nó được gọi là Ý Thức trong mộng (mộng trung Ý Thức). ở trường hợp người bị điên loạn thì nó được gọi là Ý Thức trong cơn điên loạn (Loạn Trung Ý Thức). Và khi ở trong trạng thái thiền định thì nó được gọi là ý thức trong định (Định Trung Ý Thức). Tán vị, Độc Đầu, mộng, loạn, định, đó là năm trạng thái của Ý Thức. Theo đó thì hình thái nhận thức của Ý Thức Độc Đầu có khi là Hiện Lượng (như Ý Thức trong định), có khi là Phi Lượng (đó là Ý Thức trong mộng và trong cơn điên loạn), nhưng hầu hết là tỉ lượng (trường hợp Ý Thức Tán Vị); còn đối tượng nhận thức của nó thì hoàn toàn là độc ảnh cảnh.
Một cách tổng quát, hình thái nhận thức của Ý Thức (cũng gọi là thức thứ sáu) bao gồm cả ba lượng(2); đối tượng nhận thức của nó bao gồm cả ba cảnh – tức là “pháp trần”; và tính chất nhận thức của nó thì có đủ cả ba tính (Thiện, ác và Vô Kí). Để có được tác dụng nhận thức, Ý Thức luôn luôn liên hệ với tất cả 51 Tâm Sở.
Cũng như năm thức trước, Ý Thức liên hệ mật thiết với cả hai lĩnh vực sinh lí (căn) và vật lí (cảnh). Tất cả sáu thức này đều được phát sinh theo luật nhân duyên (có điều kiện: khi căn tiếp xúc với cảnh) như bất cứ một hiện tượng sinh vật lí nào khác, cho nên cũng có tính cách chuyển biến, không đồng nhất, và hoạt động có lúc bị gián đoạn, không liên tục. Khi đã giác ngộ thì Ý Thức được chuyển thành Diệu Quan Sát Trí.
Duy Thức Học cũng có khi gọi chung thức thứ sáu và năm thức cảm giác là “sáu thức trước”.
7. Mạt Na Thức (tức là ý, hay ý căn, cũng gọi là “thức thứ bảy”): cái biết chấp ngã, cái biết phân biệt ngã với phi ngã. Mạt na vừa là thức mà cũng vừa là căn (làm chỗ nương tựa cho Ý Thức). Nó được phát sinh từ thức thứ tám là A Lại Da, nương tựa trên A Lại Da để tồn tại, rồi lại lấy A Lại Da làm đối tượng nhận thức. Vì vậy, thức A Lại Da vừa là căn mà cũng vừa là đối tượng của thức mạt na. Khi lấy A Lại Da làm đối tượng nhận thức, Mạt Na đã bám sát lấy A Lại Da và cho đó là cái ngã chân thật; do đó, tính chất của mạt na là chấp ngã – Duy Thức Học gọi là “tư lương”, tức là suy tư, đo lường, tính toán, ôm ghì, bám chặt. Tính chất chấp ngã này đã từng tích tụ rất sâu dầy từ vô thỉ, và đã cùng sinh ra một lần với thân mạng, cho nên ta cũng có thể gọi nó là bản năng chấp ngã. Thật ra, không hề có một cái gọi là “ngã”, chẳng qua chỉ vì Thức Mạt Na đã từng bị vô minh che lấp, nên đã có nhận thức sai lầm (Tà Kiến) về ngã; và, theo Duy Thức Học, đó là đầu dây mối nhợ cho tất cả mọi sai lầm về nhận thức. Với nhận thức sai lầm về ngã này, thức mạt na luôn luôn có ảo tưởng rằng, thân mạng là thật ngã, là chủ thể, và tất cả những gì ở bên ngoài thân mạng là thật pháp, là đối tượng của ngã; và rằng, ngã và pháp (hay chủ thể và đối tượng) là hai hiện tượng độc lập với nhau. Vì vậy, mạt na tuy là một thứ trực giác – trực giác chấp ngã – nhưng chỉ là một thứ công dụng Tợ Hiện Lượng, cho nên hình thái nhận thức của nó luôn luôn là Phi Lượng. Lại nữa, cũng vì tính chất chấp ngã mà mạt na không bao giờ tiếp xúc được với thế giới tánh cảnh, cho nên đối tượng nhận thức của nó chỉ hoàn toàn là đới chất cảnh. Về tính của mạt na, Duy Thức Học cho rằng, nó không phải là Thiện, cũng không phải là ác, mà là Vô Kí; nhưng vì bị vô minh che lấp (hữu phú), cho nên phải nói đầy đủ tính chất của nó là hữu phú vô kí.
Trong tác dụng nhận thức, mạt na liên hệ với 18 Tâm Sở, gồm có: 5 Tâm Sở Biến Hành, Tâm Sở “tuệ” của 5 Tâm Sở Biệt Cảnh, và 12 Tâm Sở Bất Thiện (tham, si, mạn, Tà Kiến, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, Thất Niệm, tán loạn, bất chánh tri).
Bốn Tâm Sở Bất Thiện tham, si, mạn và Tà Kiến, theo thứ tự tức là ngã ái, ngã si, ngã mạn và Ngã Kiến, là bốn loại phiền não gốc rễ tác động thường xuyên trên Thức Mạt Na. Chúng được coi là chính bản thân của mạt na, và đó là tất cả những gì mà ta gọi là vọng nghiệp, là nguyên nhân chính của sinh tử Luân Hồi.
Ý Thức, tuy phạm vi hoạt động vô cùng rộng rãi, nhưng vì nó lấy Thức Mạt Na làm “căn”, nên hoàn toàn tùy thuộc vào bản chất của mạt na trong mọi tác dụng nhận thức. Nói cách khác, thức mạt na là nền tảng cho mọi hành động (dù mang tính cách ô nhiễm hay thanh tịnh) của Ý Thức – và của cả năm thức trước nữa. Như vậy, ý (Thức Mạt Na) là điểm trung tâm, là cái động lực làm phát hiện nhận thức; và do ảnh hưởng của ý mà Ý Thức cũng mang lấy Tà Kiến phân biệt chấp ngã, cũng thấy biết, suy đoán, phán xét, suy nghĩ sai lầm, và đã dựng nên không biết bao nhiêu cái khung (phạm trù) tư tưởng – như ta, người, có, không, cao, thấp, trên, dưới, tốt, xấu, trong, ngoài, sinh, diệt v. v..., để từ đó tạo nên biết bao nghiệp nhân xấu ác, bao hành động vô minh, tà dục, và cứ thế, những nghiệp nhân này cứ tiếp tục nuôi dưỡng, bồi đắp cho bản chất sai lầm của mạt na trong suốt quá trình sinh mạng. Dù hoạt động của sáu thức trước có lúc bị gián đoạn, nhưng bản năng chấp ngã của Thức Mạt Na thì luôn luôn liên tục. Cái mà người ta gọi là “bản năng tự tồn”, đó chính là Thức Mạt Na. Sự tồn tục của nó không những chỉ có trong một quá trình sinh mạng, mà nó đã hiện hữu từ trước khi cá nhân được thác sinh (từ vô thỉ) và cả sau khi cá nhân đã chết.
Nếu Ý Thức đã có khả năng tạo ra nghiệp nhân xấu để tiếp tục bồi đắp cho bản chất sai lầm của Thức Mạt Na, thì chính ý thức cũng có khả năng làm cho mạt na trở nên trong sạch, thánh Thiện. Ý Thức có thể quán chiếu tính Không của ngã và pháp để ngăn chận bốn loại phiền não gốc rễ (si, kiến, mạn, ái), không cho hiện hành và tác động trên mạt na, làm cho thức này mất dần sức mạnh chấp ngã – tức là làm trong sạch dần bản chất ô nhiễm. Và nếu công phu cứ được tiếp tục mãi thì đến một lúc nào đó, mạt na sẽ hoàn toàn được trong sạch hóa, không còn bám lấy thức A Lại Da làm đối tượng chấp ngã nữa, rồi cái ảo tưởng về “thật pháp ở bên ngoài ngã” cũng tiêu mất, lúc đó, từ cái bản chất là một thức, mạt na sẽ chuyển thành một loại tuệ giác gọi là bình đẳng tánh trí.
8. A Lại Da Thức: cái biết chứa đựng, gìn giữ và biến hiện – cũng gọi là “thức thứ tám”.
Thức A Lại Da là nền tảng của mọi tác dụng nhận thức và mọi hiện tượng Tâm Sinh vật lí. Nó không phải là cái mà người ta thường gọi là “linh hồn” (được chứa đựng trong một thể xác). Nó không có hình thái, không có dung tích, và không có một nơi nhất định nào dung chứa nó. Hoạt dụng của nó rất thâm mật, trí óc phàm tục không thể nào rõ thấu được. Cái mà Tâm Lí Học hiện đại gọi là “tiềm thức”, “vô thức”, hay “đà sống” mới chỉ là những khái niệm gần gũi với A Lại Da; vì thực ra, A Lại Da còn sâu kín, rộng lớn và sinh động hơn nhiều. Nó chính là bản thể, là bản chất hiện hữu của sinh mạng và của cả môi trường trong đó sinh mạng tồn tại.
Thức A Lại Da được nhận biết qua ba tác dụng: chứa đựng, gìn giữ và biến hiện.
a) Tác dụng chứa đựng. Thức A Lại Da, trong trường hợp này được gọi là “Tàng Thức”, vì tác dụng của nó ở đây là chứa đựng (tàng), được miêu tả bằng ba đặc tính:
- Đặc tính thứ nhất, nó chính là khả năng chứa đựng (Năng Tàng).
- Đặc tính thứ hai, nó chính là nội dung chứa đựng (Sở Tàng).
- Đặc tính thứ ba, nó chính là đối tượng chấp ngã của Thức Mạt Na (Ngã Ái Chấp Tàng).
Những gì chứa đựng trong A Lại Da đều gồm trong ba lĩnh vực: tâm lí (các thức và các Tâm Sở), sinh lí (cơ thể và các giác quan), và vật lí (thế giới vật chất); hay nói cách khác, đối tượng của thức A Lại Da, theo danh từ Phật học, gồm có danh (tinh thần) và sắc (vật chất); hoặc tổng quát hơn, đó là tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ – tất cả các pháp. Các pháp này luôn luôn ở một trong hai trạng thái: hoặc là trạng thái phát hiện (Duy Thức Học gọi là hiện hành, tức là thế giới hiện tượng); hoặc là trạng thái tiềm ẩn (Duy Thức Học gọi là Chủng Tử, tức là hạt giống).
Như vậy, tự thân của thức A Lại Da luôn luôn gồm đủ hai phần chủ thể (Năng Tàng) và đối tượng (Sở Tàng). Hai phần này không ngừng biến chuyển linh động: các Chủng Tử từ A Lại Da phát hiện thành hiện hành, các hiện hành rơi trở lại vào A Lại Da thành Chủng Tử... Sự hoạt động đó hoàn toàn vô thức, Ý Thức của chúng ta không thể nào biết được.
b) Tác dụng gìn giữ. Đã có khả năng hàm chứa, thức A Lại Da lại còn có khả năng duy trì và bảo tồn tất cả những gì được chứa trong nó. Duy Thức Học gọi tác dụng này là trì chủng – tức là gìn giữ mọi hạt giống. Với tác dụng này, A Lại Da còn được gọi là “trì chủng thức”. Nhờ có khả năng này mà các pháp không bao giờ bị tiêu mất, mà vẫn luôn luôn tồn tại, hoặc ở trạng thái Chủng Tử, hoặc ở trạng thái hiện hành. Cũng vậy, những nghiệp nhân do ta tạo ra không bao giờ mất đi, mà chúng sẽ tồn tại và chờ điều kiện thuận tiện để phát hiện thành quả báo. Quả báo đó như thế nào là do tổng thể những giá trị của các nghiệp nhân. Rốt cuộc, A Lại Da là tổng thể của nghiệp; hay nói khác đi, A Lại Da là chính bản thân của nghiệp, – bởi vậy, nó cũng được gọi là “Nghiệp Quả thức”.
c) Tác dụng biến hiện. Biến hiện là một tác dụng vô cùng quan trọng của thức A Lại Da. Đó là khả năng làm chuyển biến các Chủng Tử của các pháp, làm cho chúng chín muồi, chờ có điều kiện thuận tiện là phát hiện thành hiện tượng. Duy Thức Học gọi đó là tác dụng “dị thục”, và do đó, thức A Lại Da cũng còn được gọi là “dị thục thức”.
Chủng tử của vạn pháp được chứa đựng và gìn giữ ở A Lại Da bằng cách “Huân Tập” (hun đúc và chồng chất). Theo cách này, đối tượng của sáu thức trước, sau khi xuất hiện trên mặt Ý Thức, liền rơi xuống kho chứa a- lại-da và tồn tại ở đó trong trạng thái Chủng Tử. Các hành động tạo nghiệp của thân, khẩu, ý cũng y như vậy. Trong khi Huân Tập, chứa đựng và gìn giữ, A Lại Da gồm thâu vào tự thân nó tất cả mọi pháp Thiện và ác, do đó, theo Duy Thức Học, tính chất của nó là Vô Phú Vô Kí (vô phú: không bị ngăn che; Vô Kí: không Thiện cũng không ác). Mặt khác, trong diễn trình nhận thức, tác dụng của A Lại Da là thuần túy trực giác, cho nên hình thái nhận thức của nó là Hiện Lượng (nhưng rất thâm mật, Ý Thức phàm tục không thể biết được), và chỉ liên hệ với 5 Tâm Sở biến hành trong 51 Tâm Sở.
Trong thời gian được chứa đựng và duy trì (tức là ở trạng thái tiềm ẩn) ở thức A Lại Da, các Chủng Tử vẫn không ngừng chuyển biến dưới định luật nghiệp báo. Nếu chúng không được tiếp tục nuôi dưỡng thì sẽ bị yếu dần đi, khó phát hiện thành hiện hành, hoặc có thể bị đồng hóa bởi các Chủng Tử khác mạnh hơn, để cuối cùng bị tiêu mất, không còn hiện hành nữa. Nhưng nếu cứ được nuôi dưỡng, tăng cường và phát triển (nghĩa là cái quá trình Chủng Tử sinh hiện hành - hiện hành sinh Chủng Tử... được lặp đi lặp lại thường xuyên), thì một lúc nào đó chúng sẽ chín muồi để có thể phát hiện thành các hiện tượng. Các tác dụng Huân Tập, cất chứa, duy trì và làm chín muồi các Chủng Tử của thức A Lại Da được thực hiện vô cùng sâu kín, cái thấy của Ý Thức không thể nào soi thấu được.
Tính chất của Chủng Tử là chuyển biến không ngừng, và vì A Lại Da chính là tổng thể của các chủng tử, nên A Lại Da cũng không ngừng chuyển biến. Tuy biến chuyển như vậy, A Lại Da vẫn luôn luôn là một dòng liên tục, hoạt động không bao giờ gián đoạn. Vì vậy, Duy Thức Học nói bản chất của A Lại Da là hằng chuyển (vừa liên tục vừa thay đổi). Đó là tính chất căn bản và vô cùng quan trọng của thức A Lại Da, bởi vì, nếu không có tính chất này thì sẽ không có gì cả, không có vạn pháp, không có vũ trụ, không có sự sống...
Vì A Lại Da – cũng tức là Chủng Tử – là hằng và chuyển, cho nên vạn pháp cũng là một dòng liên tục, không có gì mất đi. Sự sinh diệt của một đời sống (hữu tình hoặc vô tình) chẳng qua chỉ là một lần thay đổi trong quá trình biến chuyển của cả dòng sống. Khi một cá nhân chết đi, những nghiệp nhân (Chủng Tử) hàm chứa trong A Lại Da vẫn tiếp tục chuyển biến, và sẽ chín muồi vào một lúc nào đó, rồi từ A Lại Da chúng sẽ hiện hành thành một sinh mạng (chánh báo) mới, trong một môi trường sống (y báo) mới. Tùy theo bản chất và giá trị của tổng thể nghiệp lực, sinh mạng có thể được sinh ra ở một trong ba cõi (tam giới), hoặc ở vào một trong mười địa (Thập Địa) của Bồ Tát hạnh. Khi có một đoạn sinh diệt như vậy xảy ra – nghĩa là khi có sự chuyển đổi từ một sinh mạng này sang một sinh mạng khác, thức A Lại Da lúc nào cũng bỏ đi sau cùng (sau khi các thức khác đã bỏ đi), và tới trước tiên (để an lập và phát hiện các thức khác); vì theo Duy Thức Học, A Lại Da là thức nền tảng, là “chủ nhân ông” của mọi thức khác.
Đường lối theo đó thức A Lại Da thác sinh vào các môi trường sống (3 cõi và 10 địa) cũng rất thâm diệu, Ý Thức không thể nào rõ thấu được.
Vì thức A Lại Da là hằng chuyển, cho nên theo phương pháp tu tập của giáo lí Duy Thức, hành giả có thể vừa không tiếp tục cho Huân Tập các Chủng Tử ô nhiễm (vô minh, tà dục) vào A Lại Da, vừa ngăn ngừa không cho các Chủng Tử ô nhiễm có sẵn trong A Lại Da tái hiện hành. Trong lúc đó, hành giả tiếp tục cho Huân Tập vào A Lại Da các Chủng Tử thanh tịnh (Thiện, trong sáng, vươn tới từ bi, giác ngộ) và thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho các Chủng Tử trong sạch có sẵn trong A Lại Da có dịp hiện hành. Các Chủng Tử ô nhiễm nếu không được nuôi dưỡng, bồi đắp thì dần dần sẽ bị yếu đi, bị lấn áp, thay đổi, đồng hóa và tiêu diệt bởi các Chủng Tử Thiện. Bằng cách đó, A Lại Da sẽ không tiếp tục bị ô nhiễm mà dần dần sẽ được chuyển đổi sang trạng thái hoàn toàn thanh tịnh. Theo Duy Thức Học, khi hành giả tu tập và đạt đến địa thứ bảy (trong 10 địa) của Bồ Tát hạnh thì Ý Thức sẽ an trú được trong sự thông suốt về tính không của ngã và pháp, Tà Kiến Vô Thức về sự tồn tại của ngã hoàn toàn bị tiêu diệt, và lúc đó Thức Mạt Na liền được tách rời ra khỏi A Lại Da; hay nói cách khác, A Lại Da bấy giờ được thoát khỏi vòng tay của mạt na, không còn làm đối tượng chấp ngã cho thức này nữa. Tuy nhiên, phải đợi đến khi đạt được địa thứ tám thì Ý Thức mới đủ khả năng tiêu diệt hoàn toàn Tà Kiến Vô Thức về sự tồn tại của pháp; theo đó, mọi vô minh và tà dục hoàn toàn tan biến, mọi Chủng Tử trở nên thuần túy thanh tịnh, và các thức đều chuyển thành tuệ giác giác ngộ: thức A Lại Da chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí, Thức Mạt Na chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí, Ý Thức chuyển thành Diệu Quan Sát Trí, và năm thức cảm giác chuyển thành Thành Sở Tác Trí.
Trong tám thức như vừa trình bày trên thì thức A Lại Da là thức nền tảng, căn bản, Duy Thức Học gọi nó là “căn bản thức”; bảy thức còn lại: mạt na, ý, nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt và thân, đều được chuyển hiện, sinh khởi từ căn bản thức, cho nên chúng được gọi là “chuyển thức”. Mặc dù có tám thức nhưng về tác dụng thì chúng có ba tác dụng chính yếu: - Tác dụng chứa đựng, gìn giữ hạt giống và chuyển biến, phát hiện thành hiện hành – tức là tác dụng Dị Thục, là vai trò của thức A Lại Da, cho nên thức này cũng được gọi là Tâm; - Tác dụng suy nghĩ, so đo, tính toán, chấp ngã – tức là tác dụng Tư Lương , là vai trò của Thức Mạt Na, cho nên thức này cũng được gọi là Ý; - Tác dụng tri giác, phân biệt đối với trần cảnh – tức là tác dụng Liễu Biệt Cảnh, là vai trò của sáu thức trước, cho nên sáu thức này còn được gọi là Thức. Sự phân chia có tám thức như trên chỉ là một phương tiện để dễ tìm hiểu những mặt khác nhau của thức; nó không phải là cố định như thế. Thực ra, tám thức ấy chỉ là tám tác dụng, tám hành trạng, hay tám cách biểu hiện của nhận thức, chứ không phải là “tám cái tâm” riêng rẽ, biệt lập. Tuy là có tám thức, nhưng mỗi thức đều liên hệ mật thiết đến các thức khác; tuy một mà là tám, tuy tám mà là một, cho nên chúng cũng có thể thu về một mối, đó là Thức – tức là Căn Bản Thức, hay A Lại Da Thức. Một cách tổng quát, chúng ta có thể nói: Thức có ba tác dụng: tác dụng thứ nhất là tàng (hay dị thục), tác dụng thứ hai là tư lương, và tác dụng thứ ba là liễu biệt cảnh. Các kinh luận không chuyên về “duy thức”, thường dùng những tên gọi như Tâm, Ý, Thức, hay Nghiệp Thức để chỉ cho phần “tinh thần” – khác với phần “thân thể” – của chúng sinh.

Đại Thừa Bát Tông
● Tám Tông Phái Đại Thừa. Phật giáo Trung Quốc gọi tám tông phái của họ: Thiền, Tịnh Độ, Luật, Hoa Nghiêm, Tam Luận, Mật, Pháp Tướng (Duy Thức), và Thiên Thai, là “tám tông phái Đại Thừa” (Đại Thừa Bát Tông).
Nguyên lai, Trung Quốc có cả thảy 13 tông phái: Thành Thật, Câu Xá, Nhiếp Luận, Địa Luận, Niết Bàn, Tam Luận, Duy Thức, Luật, Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Thiền, Mật, và Tịnh Độ. Hai tông Thành Thật và Câu Xá thuộc Tiểu Thừa; mười một tông còn lại thuộc Đại Thừa. Về sau, tông Địa Luận sát nhập vào tông Hoa Nghiêm; tông Nhiếp Luận sát nhập vào tông Duy Thức; tông Niết Bàn sát nhập vào tông Thiên Thai; cho nên còn lại cả thảy là tám tông phái Đại Thừa.
----------------------------- Tam Tạng Pháp Số - Cs Lê Hồng Sơn -----------------------------
● 八識 (Tông Cảnh Lục)
Một, Nhãn Thức. Vì mắt lấy sắc làm duyên mà sanh ra Nhãn Thức. Nhãn Thức nương nơi căn mà sanh ra. Nhãn Căn do thức có khả năng thấy mà có thể thấy. Đó gọi là Nhãn Thức.
Hai, Nhĩ Thức. Vì tai nhờ âm thanh làm duyên mà sanh ra Nhĩ Thức. Nhĩ Thức nương nơi căn mà sanh ra. Nhĩ Căn nhờ thức có khả năng nghe mà có thể nghe. Đó gọi là Nhĩ Thức.
Ba, Tỵ Thức. Vì mũi nhờ nương mùi làm duyên mà sanh ra Tỵ Thức. Tỵ Thức nương vào căn mà sanh ra. Tỵ căn nhờ thức có khả năng ngửi mà có thể ngửi. Đó gọi là Tỵ Thức.
Bốn, Thiệt Thức. Vì lưỡi nhờ vị làm duyên mà sanh ra Thiệt Thức. Thiệt Thức nương vào căn mà sanh ra. Thiệt Căn nhờ thức có khả năng nếm mà có thể nếm. Đó gọi là Thiệt Thức.
Năm, Thân Thức. Vì thân lấy va chạm làm duyên mà sanh ra Thân Thức. Thân Thức nương vào căn mà sanh ra. Thân Căn nhờ thức có khả năng biết mà có thể biết. Đó gọi là Thân Thức.
Sáu, Ý Thức. Vì ý lấy pháp làm duyên sanh ra Ý Thức. Ý Thức nương nơi căn mà sanh ra. Ý Căn nhờ thức mà có khả năng phân biệt. Vì có phân biệt năm trần sắc, thinh, hương, vị, xúc… là sở duyên của năm căn trước. Đó gọi là Ý Thức.
Bảy, Mạt Na Thức. Tiếng Phạn là Mạt Na, tiếng Hoa là ý, cũng gọi là tương tục thức hay gọi là Phân Biệt Thức. Thức này không có thể nhất định, mà là phần nhiễm của thức thứ tám; nương vào Tự Chứng Phần của thức thứ tám mà sanh ra; duyên kiến phần của thức thứ tám chấp làm ngã; là chủ của thức thứ sáu; chấp và chuyển cảnh thiện, ác mà thức thứ sáu duyên thành cảnh nhiễm, tịnh đều do thức này. Thức thứ sáu ở trước gọi là Ý Thức; thức này cũng gọi là ý; như vậy thức thứ sáu dựa nơi căn mà đặt tên, còn thức thứ bảy này mới chính hiệu là Ý Thức. Thức thứ sáu, tuy có thể phân biệt sự tốt, xấu của năm trần, nhưng đều do thức thứ bảy truyền mệnh lệnh và chấp giữ không gián đoạn.
Tám, A Lại Da Thức. Tiếng Phạn là A Lại Da, tiếng Hoa là Tàng Thức; bởi vì thức này bao hàm tất cả pháp, tất cả sự. Thức này nhiễm, tịnh cùng một nguồn; sanh, diệt cùng chung và đầy đủ bốn phần. Thức này giống như ngọc ma ni, thể của nó vốn thanh tịnh; lại giống như gương sáng có thể chứa muôn hình vạn tượng. Nếu đứng về mặt nhiễm mà nói thì Vô Minh nương đây mà khởi lên; kết quả của nghiệp do đây mà sanh có đầy đủ phiền não trần lao, hiện ra căn thân và thế giới tức là cảnh của bảy thức trước đều từ đây mà có. Nếu đứng về mặt tịnh mà nói bổn giác nguồn tâm, xa lìa niệm tưởng, thanh tịnh; ở thánh không tăng, ở phàm không giảm. (bốn phần là:
01) Tướng Phần tức là hình tướng. Vì thức này có khả năng biến hiện căn thân, thế giới và tướng trạng, danh nghĩa của các pháp đều do phần này của thức thứ tám sanh ra, giống như ảnh tượng hiện ra trong gương.
02) Kiến Phần có nghĩa soi xét cặn kẻ. Vì thức này có khả năng soi xét tất cả các pháp và giảng giải nghĩa lý của các pháp, giống như ánh sáng của cái gương có thể chiếu soi muôn vật.
03) Tự Chứng Phần, tự nó có đầy đủ các pháp. Vì thức này có khả năng gìn giữ kiến phần và tướng phần, Thân Chứng không trở ngại; giống như hình thể tròn trịa của cái gương có thể giữ được ánh sáng của nó, có thể chứa đựng mọi hình tướng.
04) Chứng Tự Chứng Phần. Chứng tức là thể năng chứng. Tự chứng tức là đầy đủ các pháp. Phần này có khả năng duy trì Tự Chứng Phần, kiến phần, tướng phần. ba phần trước không xa lìa phần thứ tư này). Bản thể của thức thứ tám như cái lưng của một cái gương.
(Tiếng Phạn là Ma Ni; tiếng Hoa là Ly Cấu. Căn thân là các căn của thân thể).
Sùng Bái Ngẫu Tượng     Vô Tình Sát Sanh Có Tội Không?     Bài Trí Thờ Phật & Gia Tiên     Phương Cách Tắm Phật     BÍ ẨN THIỀN SƯ TỪNG KHIẾN LÊ ĐẠI HÀNH KHIẾP SỢ     Làm sao niệm Phật để được nhứt tâm bất loạn?     Gỏi Rau Muống     Bàn Tay Của Mokusen     Gõ Cửa Thiền – Thịnh Vượng     Người Ta Bước Vào Con Đường Đạo     




















































Pháp Ngữ
Làm việc nghĩa chớ kể thiệt hại
Luận anh hùng chớ kể hơn thua


Tháng Năm  

 



Đăng nhập


Playist


Bạn cần đăng nhập

Tu sĩ Việt Nam



Tu sĩ Quốc Tế


Album mới






Chuyên trang này được lập ra và hoạt động theo tinh thần Pháp Thí .
Tất cả các Kinh/Sách Phật Học trên trang này được sưu tầm từ các website Phật Giáo nên Ban Quản Trị có thể thiếu xót về mặt tác quyền đối với một số sách Phật Học .
Nếu quý Phật Tử / Tổ chức nào đang nắm tác quyền của các tác phẩm trên xin vui lòng Thông báo cho Ban Quản Trị biết, chúng tôi sẽ trao đổi trực tiếp để có thể có được bản quyền hợp lệ đối với các Sách Phật Học đó.
Ban Quản Trị trân trọng cám ơn.


Website có tất cả 78,946 pháp âm và 7,152 album thuộc tất cả các thể loại.
Có tổng cộng 138,925 lượt nghe.
Tổng số tu sĩ trong website 287, gồm cả tu sĩ trong nước và cả quốc tế.
Hiện đang có 1,332 thành viên đã đăng ký. Chào mừng thành viên mới nhất Minh Đức Phạm
Lượt truy cập 36,655,497